Tuy nhiên, câu chuyện ngày nay sẽ không theo chân thợ rừng lặn lội những khu bảo tồn quốc gia mà cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái bền vững cho mai sau.
"Mình tạo ra được trầm hương chuẩn, sản lượng cao, chất lượng tốt như thiên nhiên, nên cần liên kết với đối tác tiềm năng và phải có tâm, có tầm để phát triển cây dó bầu thành ngành công nghiệp xanh, sạch phục vụ cho con người và làm cho môi trường sống được tốt hơn".
Tất nhiên, với những gì đã và đang diễn ra trên thị trường đặc thù nhiều sóng gió này, mong ước đẹp đẽ ấy của sư thầy Phạm Minh Tâm, trụ trì chùa Thanh Tâm (xã Đồng Phú, Đồng Nai) có thành hiện thực hay không, và phải mất bao lâu nữa… cũng rất khó đoán.
Năm 2023, Công ty cổ phần trầm Thanh Tâm TTA được cấp phép thành lập, đặt trụ sở ngay bên cạnh chùa Thanh Tâm (thuộc tổ 37, ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước - nay thuộc xã Đồng Phú, Đồng Nai), do chính sư thầy Phạm Minh Tâm là đại diện pháp luật.
Lúc này, công ty đã có 4 ha vườn dó bầu cấy trầm hương đến tuổi thu hoạch và diện tích mới trồng khoảng 6 ha để đăng ký.
"Đó hầu hết là những cây mình trồng từ năm 1999. Nó phải ít nhất 25 năm. Từ ngày cấy đến thu hoạch thêm ít nhất 5 năm nữa. Còn những cây non từ 5 đến 7 năm chưa là gì hết", sư thầy giải thích.
Sư thầy Phạm Minh Tâm có lẽ cũng là một "bảo mẫu dó bầu"
ẢNH: V.K
Thành lập doanh nghiệp, sư thầy Phạm Minh Tâm cho biết sẽ hướng đến mục tiêu định hình một ngành mới khép kín, đó là nông lâm, sản xuất chế biến, thương mại và du lịch dịch vụ.
Theo ông, dó bầu là loài cây "núp bóng", do vậy vừa có thể trồng ở quy mô hộ gia đình và coi như "của để dành", vừa có thể đầu tư quy mô trang trại phủ xanh đất trống đồi trọc lại vừa có thể trồng cho phát triển dưới tán rừng tự nhiên hoặc những cây trồng lâu năm khác.
Tại vườn thực nghiệm ở chùa Thanh Tâm, chúng tôi cũng chứng kiến dó bầu cùng một lúc đóng nhiều vai trò trong hệ sinh thái thực vật tươi tốt.
Có chỗ, dó bầu là cọc để những dây tiêu đeo bám leo lên. Có chỗ, cây to rụng trái và những chiếc hạt màu đen tự nhiên tách khỏi vỏ biến thành những cây con mọc lên an toàn dưới bóng cây cha mẹ mà không cần một bàn tay chăm sóc nào…
Tại khu nhà xưởng chế biến, hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu, nghiền bột trầm hương, làm nhang… cũng đã được đầu tư và cho ra sản phẩm. Sản phẩm tinh dầu trầm hương hoàn thiện cũng được kiểm nghiệm các chỉ số kim loại nặng nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người trước khi đưa ra thị trường.
Một đêm trước sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có cơ hội ăn tối với sư thầy tại quán Vườn Chay của vợ chồng một phật tử cạnh chùa Vạn Quang (xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cũ; nay là xã Đồng Phú, Đồng Nai).
Lúc đó khoảng 20 giờ, mưa tháng 6 vẫn rả rích và chúng tôi ngồi đợi sư thầy từ xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng) trở về sau một ngày đi "dặm vá" vườn cây dó mới trồng cùng người cộng sự.
Dó bầu dễ trồng, nhưng người yêu cây sẽ dành thời gian cho giai đoạn "vị thành niên yếu ớt" của chúng nhiều hơn để không bỏ lỡ cơ hội can thiệp sớm, chẳng hạn như sâu bệnh, hoặc bị chết khô… Và sư thầy Phạm Minh Tâm có lẽ cũng là một "bảo mẫu dó bầu" như vậy.
Cây dó bầu mới trồng và cây trưởng thành sau khi được cấy trầm bằng những vết thương nhân tạo
ẢNH: V.K
Mới đây, khi một thương nhân Hàn Quốc gửi mẫu chiếc vòng đeo tay bằng hạt gỗ trầm hương nhờ tìm địa chỉ mua và tham khảo giá bán, chúng tôi tìm đến 2 nhà cung cấp quen thì được 2 kết quả khác nhau.
Người đầu tiên tính toán và báo giá 2 triệu đồng, kèm theo chính sách nếu mua trên 50 chiếc thì giá còn 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, người thứ hai hỏi ngược lại: "Họ yêu cầu hàng thường hay hàng xịn? Hay sẽ báo giá cả 2 loại gửi họ tham khảo".
Theo người này, mẫu vòng tay khách gửi là "hàng nấu". Còn hàng thật, tự nhiên là giá 6,6 triệu đồng/chiếc, "số lượng lớn được chiết khấu giảm thêm".
Đem chuyện kể cho sư thầy Phạm Minh Tâm thì như chọc đúng "chỗ ngứa". Ông cho biết trong Hội Trầm hương Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp phát triển vùng trồng dó bầu và đăng ký mã cây trồng minh bạch theo xu hướng bền vững.
Kể cả một số người chưa tham gia hội nhưng với tầm nhìn xa và thực sự yêu mến nghề trầm cũng đang sở hữu những vườn cây lớn cùng bí quyết cấy trầm bằng phương pháp sinh học tự nhiên không gây độc hại.
Đó là những tín hiệu rất tốt và rất quý cho tương lai nghề trầm. Thế nhưng nhìn một cách tổng thể thì thị trường vẫn còn ngổn ngang nhiều việc mà cơ quan chức năng phải làm.
Cây dó bầu tự xé đôi thân - một dấu tích thời kỳ sai lầm "cấy hóa chất" hy vọng tạo trầm của sư thầy Phạm Minh Tâm
ẢNH: V.K
Quay ngược thời gian trở về những năm đầu 1990, khi trầm hương và kỳ nam lên cơn sốt và những phóng sự đường rừng theo chân "giới khai thác" cũng miêu tả các bi kịch "ngậm ngải" gian nan với đích đến thường là hố sâu, ngõ cụt, lúc đó - một làn sóng trồng dó bầu nuôi giấc mơ trầm cũng bùng lên ở nhiều địa phương.
Thế nhưng, có một nghịch lý âm thầm diễn ra là trong khi các vườn cây trồng được chăm sóc cẩn thận mỗi ngày mỗi lớn thì giấc mơ giàu có của chủ vườn lại teo tóp dần.
Đỉnh điểm là những năm gần đây, khi "công nghệ cấy hóa chất vào cây dó tạo trầm" ở một số nơi không mang lại kết quả, kéo theo những lời hứa hẹn mà các nhà cung cấp cây giống đường mật rót vào tai năm xưa không còn nghe thấy nữa, thì nhiều chủ vườn đâm ra oán hận.
Trong khi đó, ai cũng biết trầm hương trong thiên nhiên thường bắt đầu từ những tác động nào đó lên cây dó bầu trong rừng, gây ra các tổn thương và chính quy trình tự chữa lành ấy đã hình thành trầm hương. Vậy có còn là hợp pháp không với những sản phẩm trầm hương bày bán có nguồn gốc không rõ ràng? (còn tiếp)
Tác giả bài viết: Võ Khối
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Trầm Thanh Tâm – Sự Kết Tinh của Thiên Nhiên và Tâm Hồn Tọa lạc tại tổ 37, ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước – trong khuôn viên thanh tịnh của Chùa Minh Tâm, Công Ty Cổ Phần Trầm Thanh Tâm (TT Agarwood) là một thương hiệu trầm hương uy tín, kết hợp giữa sự tận tâm, khoa học...